Quảng cáo #23

'Cứu tinh' từ Campuchia đổ bộ giúp Việt Nam củng cố ngôi vương của thế giới: Nhập khẩu hơn 1 triệu tấn trong quý 1, là mặt hàng được Mỹ cực ưa chuộng

Hàng trăm tấn hạt vàng từ Campuchia đã đổ bộ Việt Nam kể từ đầu năm đến nay.

Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế quốc gia xuất khẩu điều nhân chế biến số 1 thế giới, duy trì suốt gần hai thập kỷ qua. Dù sản lượng trong nước vẫn dồi dào, ngành điều Việt Nam vẫn phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu chế biến và phục vụ xuất khẩu.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hạt điều về Việt Nam trong tháng 4 đạt hơn 480 nghìn tấn với trị giá hơn 732 triệu USD, tăng mạnh 61,3% về lượng và tăng 45,1% về trị giá so với tháng 3. Lũy kế trong 4 tháng đầu năm nước ta chi hơn 1,6 tỷ USD nhập khẩu, tương đương hơn 1,04 triệu tấn hạt điều, tăng 10% về lượng nhưng tăng mạnh 39,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

Xét về thị trường, Campuchia là nhà cung cấp hạt điều lớn nhất cho Việt Nam với hơn 757 nghìn tấn, trị giá hơn 1,15 tỷ USD, tăng 7,5% về lượng và tăng mạnh 28% về trị giá. Giá nhập khẩu bình quân đạt 1.518 USD/tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

'Cứu tinh' từ Campuchia đổ bộ giúp Việt Nam củng cố ngôi vương của thế giới: Nhập khẩu hơn 1 triệu tấn trong quý 1, là mặt hàng được Mỹ cực ưa chuộng- Ảnh 1.

Đứng thứ 2 trong số các nhà cung cấp hạt điều cho Việt Nam là Tanzania với hơn 132 nghìn tấn, trị giá hơn 240 triệu USD, tăng 97% về lượng và tăng mạnh 184% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá mặt hàng này cung tăng mạnh 45% so với cùng kỳ năm 2024, đạt bình quân 1.823 USD/tấn.

Indonesia là nhà cung cấp hạt điều lớn thứ 3 cho Việt Nam với hơn 15 nghìn tấn, trị giá hơn 24 triệu USD, tăng nhẹ 7% về lượng nhưng tăng mạnh 53% về trị giá. Giá bình quân đạt 1.632 USD/tấn, tương ứng mức tăng 43%.

Campuchia đang nổi lên như một trong những quốc gia sản xuất hạt điều hàng đầu thế giới, với sản lượng tăng trưởng ấn tượng. Theo Hiệp hội Hạt điều Campuchia (CAC), trong 10 tháng đầu năm 2024, nước này sản xuất 840.000 tấn hạt điều thô, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Kampong Thom là khu vực dẫn đầu với 150.000 ha diện tích canh tác, chiếm phần lớn trong tổng số 580.117 ha trồng hạt điều toàn quốc. Sản lượng được dự báo sẽ tăng thêm 23% trong 5 năm tới nhờ mở rộng diện tích trồng trọt và cải thiện giống cây, đặc biệt là giống N20 cho năng suất cao và kháng bệnh tốt.

Về tiềm năng xuất khẩu, Campuchia hiện là nước xuất khẩu hạt điều thô lớn thứ hai thế giới, với 790.000 tấn xuất sang Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024, chiếm gần 95% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài Việt Nam, các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, và EU cũng đang mở rộng cơ hội. Chính sách Quốc gia về Hạt điều 2022-2027 đặt mục tiêu tăng tỷ lệ chế biến nội địa từ 5% lên 25% vào năm 2027, hướng tới xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng như hạt điều rang muối và đồ ăn nhẹ.

Trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 730 nghìn tấn nhân điều chế biến, đem về 4,37 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với năm 2023. Xét theo thị trường, Mỹ đang là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam, với trị giá hơn 1,1 tỷ USD, chiếm 25,1%. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai, với trị giá 687,84 triệu USD. Bên cạnh đó, ngành điều Việt Nam cũng khai thác tốt thị trường EU, xuất khẩu sang nhiều thị trường thành viên như Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha… đều tăng trưởng.

Từ cuối năm 2024 đến nay, hạt điều thô liên tục lập kỷ về tăng giá. Nguyên nhân khiến nông sản này tăng cao là do nguồn cung không đáp ứng nhu cầu vì mấy năm nay, diện tích cây điều giảm mạnh.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), năm 2025, ngành đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD. Để hiện thực hóa tham vọng này, cần tập trung vào ba trụ cột chiến lược: nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, và tăng cường xúc tiến thương mại.