Quảng cáo #23

Dược phẩm OPC đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 29% năm 2025

Nói về thị trường, ban lãnh đạo OPC nhận định ngành dược phẩm Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định với tốc độ trung bình khoảng 8–10%/năm.

CTCP Dược phẩm OPC (mã chứng khoán OPC) vừa công bố kế hoạch sơ bộ cho năm 2025 với doanh thu hợp nhất dự kiến 1.240 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2024. Tương ứng, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 29% lên 177 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo cho biết, định hướng kinh doanh năm nay, OPC sẽ tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn với quy mô vùng trồng lớn và xây dựng nhà máy chiết xuất tại vùng trồng. Công ty cũng sẽ tập trung vào hoạt động sản xuất và nghiên cứu phát triển, tự động hóa một số máy móc thiết bị tại nhà máy để nâng cao chất lượng và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm OPC trên thị trường.

Nói về thị trường, ban lãnh đạo OPC nhận định ngành dược phẩm Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định với tốc độ trung bình khoảng 8–10%/năm, do sự già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao.

Thị trường dược phẩm sẽ ngày càng sôi động với sự góp mặt của các tập đoàn đa quốc gia, chuỗi nhà thuốc hiện đại, cùng làn sóng thương mại điện tử và kênh bán hàng trực tiếp bùng nổ, tạo nên một môi trường cạnh tranh và chuyển dịch nhanh chóng.

Dược phẩm OPC đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 29% năm 2025- Ảnh 1.

Liên quan đến sự kiện đáng chú ý hiện nay là chính sách thuế quan từ Mỹ, phía OPC thông tin, Việt Nam chưa phải là quốc gia xuất khẩu dược phẩm chủ lực sang Mỹ nên không ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách thuế mới. Tuy nhiên ngành dược vẫn chịu tác động gián tiếp thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Chi phí nguyên liệu đầu vào, thiết bị y tế và các yếu tố logistic đều có thể biến động mạnh dưới tác động từ chính sách thương mại Mỹ - Trung, khiến giá thành sản xuất bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, nếu kinh tế toàn cầu bị siết chặt bởi thuế quan, sức mua giảm sút cũng sẽ gây sức ép lên nhu cầu tiêu dùng dược phẩm ” , đại diện OPC nói.

Tuy nhiên, đây cũng là khoảng trống cơ hội. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể có cơ hội thay thế doanh nghiệp nước khác trong chuỗi cung ứng.

Riêng về OPC, sản phẩm Công ty chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Myanmar... và trong nhiều năm qua, OPC luôn duy trì lượng dự trữ hợp lý nên trong ngắn hạn nên chưa chịu ảnh hưởng đáng kể từ chính sách thuế mới.

Hơn nữa, OPC còn có thể tận dụng được lợi thế khi đã chủ động xây dựng vùng trồng dược liệu chuẩn GACP-WHO, giúp nội địa hóa nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tránh rủi ro về giá cả hay thuế quan.

Được biết, OPC là một trong những doanh nghiệp về dược liệu lớn có thâm niên gần 50 năm trên thị trường. Hiện, OPC sở hữu khoảng 9 vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO: Kim Tiền Thảo, Ích Mẫu, Vông Nem và Trinh Nữ tại tỉnh Bắc Giang; Liên Diệp tại tỉnh Đồng Tháp; Húng Chanh tại Tp. Cần Thơ. Mới đây, OPC cũng là doanh nghiệp dược duy nhất lọt Top 50 doanh nghiệp tiêu biểu Tp.HCM.

Năm 2024, thị trường dược phẩm Việt Nam chứng kiến nhiều thay đổi trong thói quen tiêu dùng và quy định ngành. Về OPC, Công ty ghi nhận 969,5 tỷ, lợi nhuận sau thuế gần 110 tỷ đồng.

Năm qua, OPC cũng vận hành trung tâm nghiên cứu ứng dụng AI đầu tiên tại Tp.HCM, tổng chi phí đầu tư lên đến hàng triệu USD, trong đó OPC đã ký kết với đối tác Hàn Quốc Aribio, cùng hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm giữa các bên (các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thuốc điều trị bệnh từ dược liệu quý).