Quảng cáo #23

Hỗ trợ lãi suất 2%/năm để doanh nghiệp tư nhân vay vốn

Sáng 15-5, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân – lực lượng được kỳ vọng sẽ trở thành động lực nòng cốt của nền kinh tế.

Theo nội dung dự thảo, mặc dù pháp luật và thể chế về doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện, nhưng kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản, chưa thực sự bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh.

Hỗ trợ lãi suất 2%/năm để doanh nghiệp tư nhân vay vốn- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, sáng 15-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc thể chế hóa một số chính sách vượt trội, đột phá, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là cần thiết và cấp bách.

Mục tiêu của Nghị quyết là thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo “cú hích, đòn bẩy, điểm tựa” tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân.

Theo dự thảo Nghị quyết, việc cải thiện môi trường kinh doanh đã được cụ thể hóa theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) bao gồm cả kiểm tra liên ngành, đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định, trường hợp đối với cùng một nội dung thì cơ quan quản lý nhà nước không được thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng của doanh nghiệp. Sẽ xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Nghị quyết đã có những quy định cụ thể về việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công. Theo đó, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn. Sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo…

Dự thảo Nghị quyết cũng đưa các quy định về việc hỗ trợ KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Hỗ trợ lãi suất 2%/năm để doanh nghiệp tư nhân vay vốn- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, sáng 15-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Tại báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết cho thấy, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Để hoàn thiện, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, đánh giá lại công tác triển khai thực hiện để có giải pháp chấn chỉnh; sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đối với quy định hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, cơ quan thẩm tra đề nghị hoàn thiện quy định này để tránh cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể về hình thức hoàn trả cho chủ đầu tư bảo đảm tính khả thi của quy định, tương ứng với hình thức trả tiền thuê đất...