Quảng cáo #23

Lãi suất sẽ giữ ổn định trong năm 2025

Với tình hình kinh tế như hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ nhận định, trong năm 2025 khó có thể giảm thêm kể cả lãi suất điều hành lẫn lãi suất trên thị trường.

Vì nếu lãi suất huy động giảm, kênh tiết kiệm kém hấp dẫn, người dân sẽ không mặn mà gửi tiền, ngân hàng sẽ gặp khó về nguồn vốn huy động để cho vay. Mặt khác, Chính phủ muốn duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Nên nếu ngân hàng tăng lãi suất sẽ khó thúc đẩy cho vay.

Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 12 của MBS, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của nhóm NHTM đạt mức 5,1%/năm (cao hơn 0,2% so với đầu năm). Trong khi đó, lãi suất của các NHTM Nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 0,26% so với đầu năm.

Còn tính từ đầu tháng 1/2025 đến nay, đã có gần chục ngân hàng cả khối NHTM Nhà nước lẫn NHTMCP tăng lãi suất huy động. Động thái tăng lãi suất theo đánh giá của các chuyên gia là một diễn biến bình thường như thông lệ hàng năm các ngân hàng thường tăng cường huy động vốn để chuẩn bị nguồn vốn kinh doanh cho cả năm, duy trì ổn định hoạt động cho vay. Nhất là năm nay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tăng nhẹ hơn so với năm trước ở mức 16%.

Các chuyên gia nhận định lãi suất tiếp tục được giữ ổn định trong năm 2025

Theo đánh giá của giới chuyên gia, lãi suất huy động tăng theo "thời vụ". TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ cho rằng, với tình hình kinh tế như hiện nay, trong năm 2025 khó có thể giảm thêm kể cả lãi suất điều hành lẫn lãi suất trên thị trường. Vì nếu lãi suất huy động giảm, kênh tiết kiệm kém hấp dẫn, người dân sẽ không mặn mà gửi tiền, ngân hàng sẽ gặp khó về nguồn vốn huy động để cho vay. Mặt khác, Chính phủ muốn duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Nên nếu ngân hàng tăng lãi suất sẽ khó thúc đẩy cho vay. Hiện tại NIM các ngân hàng cũng đang khá mỏng. Hơn nữa, các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp hiện tại đều gặp khó, không đủ sức cạnh tranh với tiền gửi ngân hàng. "Do đó, lãi suất trong năm 2025 sẽ giữ ổn định", vị chuyên gia trên nhận định.

Nhóm phân tích của CTCK MB (MBS) cũng không kỳ vọng sẽ có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025. Cùng với đó, sự phục hồi của hoạt động sản xuất và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng... Dựa vào các yếu tố trên, MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ dao động quanh mức 5 - 5,2%/năm trong năm 2025.

Xu hướng giảm lãi suất toàn cầu là điều chắc chắn, nhưng với quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc duy trì sức mạnh của USD, khả năng tỷ giá USD duy trì ở mức cao trong suốt nhiệm kỳ. Tuy nhiên, với lộ trình giảm lãi suất của Fed, theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa đồng USD khó có thể tăng cao hơn nữa, và áp lực mất giá với tiền đồng sẽ không quá lớn. "Năm nay, Quốc hội đã "nới" chỉ tiêu lạm phát lên 4,5% (tăng 0,5% so với năm ngoái) vì lường trước các rủi ro bất thường. Việc "nới" chỉ tiêu lạm phát tạo thêm dư địa cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, NHNN sẽ không giảm lãi suất điều hành, hay mạnh tay "phá giá" tiền đồng để nới lỏng tiền tệ. Nếu lạm phát toàn cầu giảm, USD sẽ không thể tăng mãi, áp lực lạm phát nhập khẩu hay tỷ giá hối đoái nước ta sẽ không quá lớn. Về cơ bản, điều hành chính sách tiền tệ năm 2025 sẽ giữ ổn định như năm 2024", TS. Nghĩa nhận định.

Có góc nhìn thận trọng hơn, bà Nguyễn Thị Phương Lan, Giám đốc nghiên cứu- Trung tâm phân tích VDSC cho rằng, qua rà soát các yếu tố ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD đều cho thấy đồng bạc xanh có thể tiếp tục mạnh lên trong năm 2025. Vì thế, việc kiểm soát sự ổn định tỷ giá trong năm 2025 của NHNN khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Khó khăn lớn nhất chính là dòng vốn FDI chỉ giải ngân vừa đủ để bù đắp lợi nhuận chuyển về nước, áp lực về nhu cầu USD vẫn cao khi lãi suất Mỹ duy trì ở mức cao trong khi dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh.

Đồng quan điểm này, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng sẽ có những áp lực nhất định đối với xu hướng tỷ giá năm nay, đến từ việc sức mạnh của đồng USD vẫn được duy trì ở mức cao và các NHTW của nhiều quốc gia sẽ có thể kiên trì chính sách hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm sẽ tùy thuộc vào bối cảnh từng quốc gia. Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị sẽ khiến giới đầu tư tìm các tài sản "trú ẩn" an toàn, trong đó có USD.

Tuy nhiên, nhìn toàn diện, VCBS nhận định rằng vẫn còn nhiều yếu tố tích cực đối với thị trường ngoại hối Việt Nam trong năm 2025, đó là thu hút FDI và nguồn kiều hối. Đồng thời, sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất nhập khẩu với cán cân thương mại dự báo tiếp tục thặng dư lớn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi cũng là "điểm cộng" cho tỷ giá năm nay.

Ở góc độ cơ quan quản lý NHNN điều hành tỷ giá ngày càng chủ động, linh hoạt sử dụng các công cụ chính sách phù hợp với diễn biến thị trường. Đơn cử, để hạ nhiệt tỷ giá trong những ngày đầu liên tiếp tăng có thời điểm tỷ giá đã tăng kịch trần từ 25.265-25.559 đồng/USD, NHNN đã triển khai một cách tiếp cận mới trong việc can thiệp vào thị trường ngoại hối. Cụ thể, thay vì bán USD giao ngay, trong hai phiên giao dịch ngày 3/1 và 6/1/2025, NHNN cung cấp các hợp đồng kỳ hạn (có kèm quyền chọn hủy) tại cùng mức tỷ giá 25.450 đồng/USD. Động thái này cho thấy sự tự tin của NHNN trong giữ ổn định tỷ giá liên ngân hàng quanh mức 25.450 đồng. Đồng thời xóa bỏ kỳ vọng của thị trường về việc NHNN sẽ tăng giá bán can thiệp. "Việc NHNN chủ động thực hiện các chính sách kiểm soát tỷ giá ngay từ đầu năm rất đáng ghi nhận. Dù vậy, 2025 vẫn là một năm rất khó đoán định. Do đó, NHNN nên có nhiều kịch bản chủ động ứng phó với tỷ giá", một chuyên gia nhận định.

Về phía NHNN cho biết sẽ tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD. Bên cạnh đó, NHNN sẽ điều hành lãi suất và tỷ giá sao cho phù hợp với các cân đối vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và chính sách tiền tệ.