Đây là một trong những mức phạt được Ngân hàng Nhà nước đề xuất tại Dự thảo (lần 3) Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đang được lấy ý kiến. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 88/2019/NĐ-CP là để phù hợp với Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 và các văn bản pháp luật hiện hành.
Cụ thể, Điều 27 dự thảo nghị định sửa đổi quy định các hành vi mua bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau hoặc tại các tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ, với giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác tương đương), sẽ bị phạt cảnh cáo. Tương tự, việc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ dưới mức này mà không đúng quy định cũng sẽ bị xử lý.
Theo đó, phạt tiền 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 USD đến dưới 10.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương)…
Đáng chú ý, mức phạt tiền sẽ tăng theo giá trị ngoại tệ vi phạm. Cụ thể, mức phạt cao nhất từ 80 đến 100 triệu đồng dành cho trường hợp mua bán ngoại tệ từ 100.000 USD trở lên (hoặc ngoại tệ tương đương) giữa cá nhân với nhau hoặc tại tổ chức không được phép thu đổi. Việc thanh toán bằng ngoại tệ với giá trị tương đương cũng sẽ chịu mức phạt này nếu không tuân thủ đúng quy định.

Mua, bán USD trái phép tại Việt Nam sẽ bị phạt nặng
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất mức phạt cao nhất lên tới 200-250 triệu đồng đối với các vi phạm trong lĩnh vực ngoại hối. như xuất nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, tiền Việt Nam đồng tiền mặt không đúng quy định, hoạt động ngoại hối khi chưa được cấp phép.
Bên cạnh phạt tiền, các hình thức xử phạt bổ sung cũng được quy định rõ ràng. Ví dụ, tịch thu số ngoại tệ hoặc tiền Việt liên quan hành vi vi phạm; đình chỉ hoạt động ngoại hối trong 3 đến 6 tháng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm.
Những hành vi liên quan việc niêm yết tỉ giá ngoại tệ không đúng quy định, như không niêm yết hoặc niêm yết không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng, cũng sẽ bị xử phạt tương ứng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 88/2019/NĐ-CP nhằm cập nhật phù hợp với Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 và các quy định pháp luật hiện hành. Mục tiêu là đảm bảo các quy định xử phạt đủ sức răn đe, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.