Quảng cáo #23

Tiền gửi vào ngân hàng bất ngờ sụt giảm

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm sau 5 tháng tăng liên tiếp, kéo huy động vốn ngân hàng sụt giảm đầu năm nay.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 1, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của toàn hệ thống ngân hàng đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2024.

Cụ thể, trong tháng 1, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm tới 233.000 tỷ đồng so với tháng trước (giảm 3,04% so với cuối năm 2024). Như vậy, sau 5 tháng tăng liên tiếp, huy động vốn từ tổ chức kinh tế ghi nhận sụt giảm khá mạnh ngay từ đầu năm, dù các ngân hàng đang nỗ lực huy động vốn để chuẩn bị nguồn cho tăng trưởng tín dụng cao năm nay.

Tính đến cuối năm 2024, huy động vốn thấp hơn gần 1 triệu tỷ đồng so với tín dụng (15,7 triệu tỷ đồng).

Tiền gửi vào ngân hàng bất ngờ sụt giảm- Ảnh 1.

Tiền gửi vào ngân hàng giảm trong bối cảnh lãi suất thấp (ảnh: Như Ý).

Tiền gửi ngân hàng giảm trong bối cảnh lãi suất huy động các ngân hàng liên tục giảm. Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, kể từ sau ngày 25/2, đã có 28 ngân hàng thương mại trong nước giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm.

Riêng trong tháng 4, có thêm một số ngân hàng giảm lãi suất huy động gồm VPBank, MB, Eximbank, Nam A Bank, OCB và GPBank. Hiện mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về dưới 6%/năm.

Cục Thống kê - Bộ tài chính cho biết, tại thời điểm ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36%, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,49%. Như vậy, tính tới 25/3, chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng.

Huy động tăng chậm hơn cho vay đang gây áp lực cho hệ thống ngân hàng trong đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhanh giai đoạn tới.

Phát biểu tại một hội thảo cuối tháng 2, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-10% là nhiệm vụ nặng nề với ngành ngân hàng. Quy mô GDP cả nước 12 triệu tỷ đồng trong khi dư nợ tín dụng đạt gần 16 triệu tỷ đồng, chiếm tương đương 135% GDP.

Ông Tú cho biết hiện ngành ngân hàng cho vay ra nền kinh tế nhiều hơn số dư huy động. Tức huy động được 9 đồng nhưng ngành ngân hàng cho vay 10 đồng, phần thiếu hụt còn lại là phải sử dụng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, tạo điều kiện cung ứng vốn tín dụng hỗ trợ tăng trưởng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết năm nay sẽ tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt có các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ cho tín dụng tiêu dùng. Ngoài hỗ trợ thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước cũng ổn định lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay , hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy vậy, với diễn biến phức tạp của chính sách thuế mà Mỹ đưa ra cùng với đà tăng sốc của giá vàng và sự sốt nóng của thị trường bất động sản trong nước, việc ổn định lãi suất với Ngân hàng Nhà nước là mục tiêu rất thách thức.