Quảng cáo #23

Google, YouTube bị "đe dọa", ChatGPT sắp thống trị Internet?

Tháng 5 này, ChatGPT chính thức vượt X (trước đây là Twitter) và WhatsApp, lần đầu tiên góp mặt trong top 5 website có lượng truy cập cao nhất toàn cầu.

ChatGPT - nền tảng chatbot trí tuệ nhân tạo do OpenAI phát triển - vừa thiết lập một cột mốc mới khi chính thức vượt qua X (tiền thân là Twitter) để vươn lên vị trí thứ 5 trong danh sách các website được truy cập nhiều nhất thế giới, theo dữ liệu mới nhất từ nền tảng phân tích lưu lượng truy cập SimilarWeb.

Trong bối cảnh hầu hết các trang web lớn đều chứng kiến đà sụt giảm về lượng người dùng, ChatGPT lại ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục: tăng 13,04% chỉ trong vòng một tháng. Hiện nền tảng này đang chiếm 2,30% tổng lưu lượng truy cập web toàn cầu, tương đương khoảng 5,14 tỷ lượt truy cập hàng tháng.

Đáng chú ý, thành tích này của ChatGPT cũng đồng nghĩa với việc nền tảng đã vượt mặt X - một trong những "đứa con cưng" của tỷ phú Elon Musk. X hiện tụt xuống vị trí thứ 6 với 4,34 tỷ lượt truy cập mỗi tháng, chiếm 1,94% thị phần và sụt giảm 5,21% so với tháng trước.

Mặc dù ChatGPT đã có bước tiến vượt bậc, các "ông lớn" công nghệ truyền thống vẫn duy trì vị thế dẫn đầu về lưu lượng truy cập toàn cầu.

Đứng đầu bảng xếp hạng là Google với 81,31 tỷ lượt truy cập mỗi tháng, chiếm 36,38% tổng lưu lượng truy cập toàn cầu, dù đã giảm 3,18% so với tháng trước. YouTube tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai với 28,68 tỷ lượt truy cập, chiếm 12,83%, giảm nhẹ 2,13%. Facebook xếp thứ ba với 11,56 tỷ lượt truy cập, tương đương 5,17%, giảm 3,05%. Instagram đứng ở vị trí thứ tư với 6,17 tỷ lượt truy cập, chiếm 2,76% thị phần và giảm 1,65% so với tháng trước.

Google, YouTube bị "đe dọa", ChatGPT sắp thống trị Internet?- Ảnh 1.

Top 10 trang web có lượng truy cập nhiều nhất thế giới trong tháng 5/2025 (Ảnh: OfficeChai)

Điều làm nên sự ấn tượng trong thành tích của ChatGPT chính là việc đây là website duy nhất trong top 10 toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng dương trong tháng vừa qua. Trong khi đó, phần lớn các nền tảng lớn khác đều chứng kiến lượng truy cập sụt giảm, điển hình như Wikipedia giảm 6,06%, Reddit giảm 3,77% và WhatsApp giảm 2,75%.

Đáng chú ý, ChatGPT mới chỉ được ra mắt chưa đầy hai năm rưỡi. Vào tháng 4 năm ngoái, nền tảng này còn xếp vị trí thứ 14 về lượng truy cập toàn cầu. Chỉ trong vòng 12 tháng, ChatGPT đã thăng hạng 9 bậc, lần lượt vươn lên thứ 8 vào cuối năm 2024, tiếp đó là thứ 6 vào tháng 1/2025 và hiện nay chính thức chiếm lĩnh vị trí thứ 5.

Sự dịch chuyển này cho thấy một bước chuyển biến căn bản trong thói quen sử dụng Internet của người dùng toàn cầu. Nếu trước đây, các công cụ tìm kiếm truyền thống và mạng xã hội là kênh chủ đạo dẫn dắt lưu lượng truy cập web, thì sự bùng nổ của ChatGPT mở ra xu hướng mới: người dùng ngày càng ưu tiên các trợ lý AI như một giao diện thay thế để tra cứu thông tin và thực hiện các tác vụ.

Sự trỗi dậy nhanh chóng của ChatGPT không chỉ ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ mà còn mở ra cả cơ hội lẫn thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Trong bối cảnh hành vi người dùng thay đổi, các doanh nghiệp buộc phải tái định hình chiến lược hiện diện số - không chỉ tập trung vào công cụ tìm kiếm truyền thống hay mạng xã hội mà còn phải tính đến khả năng tích hợp với các nền tảng AI đàm thoại như ChatGPT.

OpenAI liên tục nâng cấp ChatGPT qua các bản cập nhật định kỳ, đồng thời mở rộng tích hợp với nhiều plugin và dịch vụ bên thứ ba. Nhờ đó, chatbot này ngày càng trở thành một "cổng kết nối Internet" mới, tiềm năng cạnh tranh trực tiếp với các công cụ tìm kiếm truyền thống trong tương lai gần.

Khi làn sóng ứng dụng AI bùng nổ với tốc độ nhanh chóng, cuộc cạnh tranh thu hút sự chú ý của người dùng đang bước sang một giai đoạn mới, vượt ra khỏi giới hạn của các nền tảng số truyền thống. Với đà tăng trưởng hiện tại, ChatGPT hoàn toàn có thể thách thức những nền tảng lớn hơn, đồng thời định hình lại cách hàng tỷ người trên thế giới truy cập thông tin và tương tác với công nghệ.