Quảng cáo #23

TP HCM hướng đến siêu đô thị biển

Việc hợp nhất 3 đơn vị hành chính không chỉ nhằm sắp xếp địa giới mà còn là bước đi quyết đoán để TP HCM vươn mình trở thành siêu đô thị biển tầm cỡ.

Giấc mơ trở thành siêu đô thị biển của TP HCM đang dần trở thành hiện thực khi tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất sáp nhập TP HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vùng Tàu.

Những bước đi cụ thể

Tại Hội nghị lần thứ 39 (hội nghị chuyên đề) Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy đã trình dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đề án này đã xây dựng phương án sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP HCM trên cơ sở thực hiện hai nhiệm vụ: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; bảo đảm sau sắp xếp, TP HCM là thành phố trực thuộc trung ương, phát huy tiềm năng và lợi thế của 3 địa phương về diện tích đất đai, quy mô dân số, kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là một cực tăng trưởng mới của cả nước và Vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.

Cảng Cát Lái - cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam đang đối mặt tình trạng quá tải kéo dài

Cảng Cát Lái - cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam đang đối mặt tình trạng quá tải kéo dài

TP HCM mới sau sắp xếp, hợp nhất có diện tích 6.772,65 km2 (đạt 135,43% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 13.706.632 người (đạt 979,04% so với tiêu chuẩn), 168 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. Năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước của 3 tỉnh, thành phố này là 677.993 tỉ đồng.

Dự thảo Đề án kiến nghị Trung ương xem xét, chấp thuận cho phép TP HCM sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố đến hết năm 2030...

Dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI thông qua tại hội nghị.

Mở rộng không gian thành phố là bước then chốt để TP HCM trở thành siêu đô thị biển đúng nghĩa, vừa là trung tâm sản xuất, trung tâm trung chuyển..., vừa là trung tâm dịch vụ biển Đông Nam Á. Việc hợp nhất với Bình Dương (có thế mạnh về công nghiệp - đô thị - logistics) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cảng biển nước sâu - du lịch biển) tạo cơ hội để TP HCM sau khi sáp nhập có thể vươn ra biển một cách thực chất; có hạ tầng, có không gian biển sâu, có kinh tế hậu cần. Việc này còn tạo nên chuỗi đô thị - công nghiệp - cảng biển - dịch vụ liên hoàn, tương tự mô hình Thượng Hải - Trung Quốc, Singapore hay Bangkok - Thái Lan đang áp dụng.

Việc hợp nhất 3 đơn vị hành chính không chỉ là sắp xếp địa giới mà còn là bước đi quyết đoán để TP HCM vươn mình trở thành siêu đô thị biển Đông Nam Á - nơi hội tụ biển cả, công nghiệp, logistics, tài chính và con người sáng tạo. Một trung tâm mới của khu vực đang hình thành, từ chính khát vọng cải cách của đất nước.

Phát triển không gian kinh tế mới

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng việc TP HCM hợp nhất với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương có ý nghĩa rất lớn, tạo điều kiện để thành phố phát triển kinh tế biển, bao gồm du lịch, khai thác tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo để sản xuất điện gió, điện mặt trời..., kể cả năng lượng tái tạo từ thủy triều và sóng biển.

Vậy kinh tế biển đối với TP HCM cụ thể là những gì? Trả lời câu hỏi này, GS Đặng Hùng Võ cho rằng đây là vấn đề mà TP HCM cần tính toán. Hiện nay, chúng ta mới điều chỉnh địa giới hành chính, chưa tính đến không gian kinh tế mới. Do đó, bước tiếp theo là hướng đến mục tiêu phát triển không gian kinh tế mới. Trong đó, riêng du lịch biển có thể tạo ra một vị thế mới từ việc đón các dòng khách du lịch nước ngoài.

Theo GS Đặng Hùng Võ, TP HCM có một vị trí rất đặc biệt, một bên là vùng công nghiệp cực lớn (Đông Nam Bộ), một bên là vùng nông nghiệp trọng yếu (ĐBSCL). Từ vị thế này, có thể thấy tiềm năng phát triển dịch vụ của TP HCM là rất lớn.

"Từ nay, TP HCM hoàn toàn có thể nghĩ tới các dịch vụ chất lượng cao mà thế giới đang rất quan tâm, như: trung tâm dịch vụ tài chính, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hay dịch vụ về công nghệ, tận dụng lợi thế về cảng biển và giao thông vận tải…" - ông nhận xét.

GS Đặng Hùng Võ cho biết Bà Rịa - Vũng Tàu đang sở hữu các cảng nước sâu hiện đại, có thể tiếp nhận những tàu lớn quốc tế. Trong khi đó, TP HCM có hệ thống cảng quốc tế với lợi thế lớn về dịch vụ logistics và vị trí giao thương thuận lợi. 

Nếu TP HCM tổ chức, vận hành dịch vụ tốt hơn và với chi phí cạnh tranh hơn, chắc chắn giao thông đường thủy sẽ phát triển mạnh mẽ. Khi đó, TP HCM hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế (hub logistics), là điểm dừng, điểm kết nối cho các tàu hàng quốc tế. Việc này sẽ giúp TP HCM thu hút các tuyến vận tải quốc tế cập cảng, tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics và kinh tế biển.

Vấn đề hiện nay là các bên liên quan cần ngồi lại với nhau, tính toán và xây dựng chiến lược cụ thể để hiện thực hóa tiềm năng này, dựa trên nguyên tắc phân tích địa kinh tế. TP HCM cần rà soát lại quy hoạch, xác định rõ diện mạo phát triển mới và các hạng mục ưu tiên; từ đó triển khai những công trình, dự án sao cho hiệu quả và phù hợp nhất.

Tuy vậy, để hiện thực hóa được ý chí và tiềm năng đó, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, hoàn thiện cơ chế chính sách đến kết nối đồng bộ. Cần có sự phối hợp và lập kế hoạch chiến lược để TP HCM khai thác tối đa lợi thế của vùng biển mới. Quan trọng không kém là cần nguồn nhân lực có năng lượng và chuyên môn để thực hiện các dự án phát triển kinh tế biển.

Sắp xếp lại quy hoạch tổng thể

Theo ông Lê Duy Hiệp - chuyên gia logistics, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - TP HCM là trung tâm kinh tế, hành chính và logistics lớn nhất cả nước.

Hệ thống cảng biển của TP HCM đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là cảng Cát Lái - cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, cảng Cát Lái cũng đang phải đối mặt tình trạng quá tải kéo dài, đặt ra nhu cầu cấp bách cho việc điều chỉnh quy hoạch và phân bổ hợp lý luồng hàng hóa.

Trong khi đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần khẳng định vị thế là cảng nước sâu cửa ngõ quốc tế của phía Nam. Trong dài hạn, đây sẽ là điểm đến chính cho các tuyến vận tải container quốc tế, góp phần giảm tải cho hệ thống cảng TP HCM và nâng cao năng lực xuất nhập khẩu của cả khu vực phía Nam.

Ông Hiệp nhìn nhận khi TP HCM hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tiềm năng tăng trưởng logistics và vận tải hàng hóa sẽ rất lớn. Hiện nay, TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là trụ cột trong liên kết vùng Đông Nam Bộ.

Thời gian tới, khi cảng nước sâu Cần Giờ được hình thành và các hệ thống logistics phụ trợ được đồng bộ, TP HCM mới sẽ trở thành trung tâm logistics và xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó, các dịch vụ trong chuỗi cung ứng logistics sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo nên hệ sinh thái logistics hiện đại, tiết kiệm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Để hiện thực hóa tiềm năng đó, ông Hiệp cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là việc sắp xếp lại quy hoạch tổng thể cho toàn bộ khu vực TP HCM mở rộng, hệ thống cảng biển, kho bãi logistics và các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Trong đó, các tuyến đường vành đai, nhất là Vành đai 3, có vai trò then chốt trong việc kết nối các khu vực, giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi, giảm áp lực giao thông đô thị và tối ưu chi phí vận tải.

Khi các địa phương vùng Đông Nam Bộ được sáp nhập hoặc liên kết quản lý hiệu quả hơn, việc điều chỉnh quy hoạch sẽ tránh được tình trạng chồng chéo, xung đột lợi ích và giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn. 

"TP HCM cần chủ động lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng để xây dựng chiến lược phát triển logistics và hệ thống cảng biển phù hợp với nhu cầu thực tế và xu hướng quốc tế. Việc này không chỉ giúp khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển mà còn góp phần đưa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành động lực phát triển của cả nước trong kỷ nguyên vươn mình" - ông Hiệp nhận định. 

(Còn tiếp)

Quy mô kinh tế rất lớn

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, nhận định trong bối cảnh hạ tầng giao thông liên vùng đang được đầu tư mạnh mẽ, nhất là các tuyến đường vành đai, tuyến cao tốc, hệ thống giao thông công cộng được phát triển đồng bộ sẽ giúp kết nối các đô thị vệ tinh của 3 địa phương sau sáp nhập, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế.

Theo ông Thắng, quy mô kinh tế của TP HCM mới có thể chiếm tới gần 30% GRDP cả nước. "TP HCM sau sáp nhập có thể trở thành mô hình phát triển đô thị và công nghiệp bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng với bảo vệ môi trường nếu được quy hoạch bài bản, đồng bộ từ cảng nước sâu, sân bay quốc tế, các tuyến cao tốc..., qua đó thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế" - ông nhấn mạnh.